Theo số liệu của Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông Nghiệp, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 40 triệu tấn rơm rạ bị tiêu hủy, vứt bỏ. Đây là nguồn tài nguyên rất lớn chưa được khai thác, sử dụng có hiệu quả.

Nằm trong chuỗi sự kiện của “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2017, sáng ngày 2/6, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam phát động chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ”.

Mục đích là nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc đốt rơm rạ, đưa ra các giải pháp hữu ích trong việc tái chế, tái sử dụng rơm rạ đáp ứng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường.

Theo điều tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hàng năm, thành phố Hà Nội phát sinh trên 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp với lượng đốt bỏ ngoài cánh đồng là hơn 30%. Khói bụi do rơm rạ có chứa các loại khí độc hại như muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người như suy hô hấp, suy tim, suy nhược cơ thể, nhiễm trùng phổi, về lâu dài có thể gây ra ung thư phổi.

Kỹ thuật xử lý rơm rạ sau thu hoạch làm nguyên liệu trồng nấm rơm

Không chỉ gây ô nhiễm không khí, đốt rơm, rạ còn làm mất chất dinh dưỡng của đất, đốt đồng nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất và tầng mặt ruộng trở nên chai cứng giảm năng suất cây trồng, tiêu diệt các loại thiên địch có ích, dẫn đến phát sinh nhiều bệnh dịch hại trên cây trồng. Theo nhận định của các nhà khoa học, sau mỗi vụ thu hoạch 1ha lúa sẽ thu được 6 tấn rơm rạ, nếu đem đốt sẽ mất khoảng 6 triệu đồng. Cứ mỗi tấn rơm ra bà con có thể trồng nấm nói chung trừ chi phí trong thời gian 15 – 20 ngày có thể lãi từ 500.000 – 700.000 đồng. Bã sau khi trồng nấm chế biến thành phân sinh học cao cấp.

Ngoài ra, bã nấm còn dùng để nuôi trùn đất, lấy trùn nuôi gia cầm, gia súc và tôm, cá. Để giải quyết vấn đề này, Công ty CPĐT Tuấn Tú xin gửi đến bà con Phương pháp xử lý rơm rạ để trồng nấm rơm vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh nơi sinh sống, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.

Kỹ thuật xử lý rơm rạ

Ủ rơm rạ để trồng nấm rơm

Trước khi tiến hành xử lý nguyên liệu bà con cần lưu ý:

Nấm rơm phát triển ở:

+ Nhiệt độ: 30-32 độ C.

+ Độ ẩm: 80%.

+ Nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm: < 10 độ C.

+ Miền Bắc: Thích hợp trồng vào 15/4 – 15/9.

  Miền Nam: Trồng quanh năm.

+ Tùy thuộc diện tích mặt bằng mà chuẩn bị diện tích trồng nấm cho phù hợp: 70 m2 cho 1 tấn rơm rạ.

1. Nguyên vật liệu, bể ngâm cần chuẩn bị.

1.1. Nguyên liệu

Để có 1 tấn rơm rạ đủ điều kiện trồng nấm bà con cần chuẩn bị

STT Tên nguyên vật liệu Khối lượng
1 Rơm rạ 1000 (Kg)
2 Vôi bột 15 (Kg)
3 Bạt đậy đống ủ

1.2. Bể ngâm nguyên liệu

Bể bằng gạch lát nền xi măng kích thước dài x rộng x cao: 10 x 2 x 0.5 (m). Bà con có thể xây với kích thước khác, tùy thuộc vào diện tích vườn của gia đình.

2. Cách tiến hành

Bước 1: Bơm nước sạch vào bể, mực nước cao 2/3 chiều cao bể.

Bước 2: Cho vôi bột vào bể khuấy đều cho vôi tan hết theo công thức:

STT Tên nguyên liệu Khối lượng
1 Vôi bột 4 (Kg)
2 Nước sạch 1 (m3)

Bước 3: Cho rơm rạ vào bể ngâm. Sau đó, dùng chân dậm chặt rơm vào nước vôi để nước vôi ngấm kỹ vào rơm. Kiểm tra bằng cách xé sợi rơm ra, có nước bên trong là đạt yêu cầu.

Lưu ý: Bà con cần phải để nước ngấm kỹ vào rơm rồi vớt ra. Nếu nước không ngấm kỹ sẽ ảnh hưởng đến quá trình ủ, sự phát triển của hệ vi sinh vật.

Bước 4: Vớt rơm rạ đã ngâm kỹ ra khỏi bể tạo thành đống ủ cao 1,5 – 1,8 m rồi đậy bạt lên đống ủ cách nền 10 – 15 cm. Bà con kiểm tra độ ẩm của rơm rạ bằng cách dùng tay vắt nguyên liệu. Nếu nước chảy qua kẽ tay là đạt yêu cầu.

Bước 5: Sau 3 – 4 ngày, nguyên liệu đã chín bà con dỡ đống ủ phân riêng nguyên liệu ẩm và nguyên liệu khô.

Bước 6: Kiểm tra độ ẩm của nguyên liệu giống Bước 4. Nếu quá khô thì bà con tưới thêm nước vào.

Bước 7: Tạo luống trồng nấm theo kích thước rộng x cao là  45 x 35 (cm). Chiều dài luống phụ thuộc vào chiều dài sân trồng nấm.

Chúng tôi mong muốn giúp đỡ bà con giải quyết vấn đề rơm rạ sau khi thu hoạch. Để cải thiện môi trường xung quanh.

Chúc bà con thành công!